NSGN - Thời Đức Phật tại thế, Ấn Độ có ít nhất mười sáu tiểu vương quốc1, mỗi vương quốc đều có ngôn ngữ hay phương ngữ riêng, nhưng có lẽ người dân của mỗi nước đều có thể giao tiếp và hiểu nhau được.
Quan điểm của các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ thời đức Phật
Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) cho rằng: Saka nurutti chính là tiếng Magadhi. Ngôn ngữ được dùng bởi Đức Phật và Ngài không cho phép hàng đệ tử của mình sử dụng phạn ngữ (chandasa) để truyền tải giáo lý. Nhận định trên của Ngài Buddhaghosa căn cứ vào bộ Cullavagga của Luật Tạng Nguyên Thuỷ [5]. Ở đây, Đức Phật đã chỉ dạy các Tỳ kheo tu học bằng ngôn ngữ Saka Nirutti. Cũng đồng thuận với nhận định trên của Buddhaghosa, Geiger và giáo sư Rhys Davids chấp nhận chữ Saka nirutti là chỉ cho ngôn ngữ riêng của đức Phật.
Một nhận định khác ngược lại với Buddhaghosa, B.C.Law cho rằng: Ngài Phật Âm đã thiếu chính xác trong việc xác định không rõ ràng chữ Chandasa đồng nghĩa với tiếng Phạn và Saka nirutti có nghĩa là phương ngữ địa phương Magadhi. Theo ông, đức Phật không cho đệ tử của mình sử dụng ngôn ngữ Phạn Vệ Đà thời đó (ngôn ngữ Bà la môn) để truyền dạy giáo lý của mình, chứ không phải tiếng Phạn được sử dụng thông dụng bấy giờ.
Riêng Mauli Chan Prasad, học giả Ấn Độ lại nhận định rằng: Magadhi chính là phương ngữ hay là tiếng bản xứ thông dụng. Nó được dùng để giao tiếp vào thời của đức Phật. Ông đã dịch chữ Saka nirutti là “ngôn ngữ (riêng) của chúng ta”, là “tiếng địa phương”, “tiếng bản xứ”.
Một quan điểm khác có thể nhìn nhận rộng hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ của Đức Phật thời bấy giờ, Lin Li-kouang và Edgerton cho rằng: sự đa dạng về văn hoá và ngôn ngữ của Ấn Độ cổ đại sẽ là một rào cản trong việc truyền tải ngôn ngữ của đức Phật và của tăng đoàn, cho nên, việc sử dụng một ngôn ngữ để truyền tải giáo pháp của mình là hoàn toàn không thể. Có lẽ, Phật giáo sử dụng nhiều ngôn ngữ và Magadhi là một trong những ngôn ngữ đó. Tuỳ theo từng vùng miền khác nhau mà đức Phật và tăng đoàn đến thì việc sử dụng ngôn ngữ địa phương là hoàn toàn hợp lý. Bên cạnh đó, Edgerton cũng cho rằng: ngôn ngữ Pali, Buddhist Hybrid Sanskrit và Prakrit là các ngôn ngữ phổ biến của địa phương và cũng là ngôn ngữ chính của cộng đồng Phật giáo [3, tr.462-467].
Những quan điểm trên của các nhà nghiên cứu đều căn cứ trên nhận thức riêng của mình về vấn đề sử dụng ngôn ngữ. Những giả thuyết đó, hoặc đúng hoặc không hoàn toàn đúng nhưng cũng không thể phủ nhận được những giá trị thực tại mà đức Phật và tăng đoàn đã đạt được, đó là một giáo lý đồ sộ và một hệ thống tín đồ rộng lớn. Vấn đề sử dụng ngôn ngữ không bị bó buộc và cứng nhắc trong giáo lý của đức Phật, chính vì tính mầu nhiệm, uyển chuyển, mềm mại và thích ứng đã giúp cho Đạo Phật dễ dàng du nhập vào trong đời sống tinh thần của mọi người lúc bấy giờ.
Quan điểm của đức Phật về việc sử dụng ngôn ngữ
Nguồn gốc của sự phân biệt ngôn ngữ được ghi lại trong Kinh Tạng Pali: có hai vị Tỳ kheo tên là Yamelu và Tekula là anh em ruột. Họ xuất thân trong dòng dõi Bà-la-môn và muốn thỉnh cầu Đức Phật xin chuyển những lời Phật dạy sang ngôn ngữ của Phạn Vệ Đà (Chandaso). Họ không muốn những người xuất gia trong tăng đoàn là những đẳng cấp thấp trong xã hội bấy giờ làm mất đi sự cao quý của giáo lý của Thế Tôn. Lúc ấy, đức Phật đã bác bỏ đề nghị đó và khuyên các đệ tử nên học lời Phật dạy theo ngôn ngữ địa phương.
“Vào lúc bấy giờ, hai Tỳ-kheo tên Yamelu và Tekula là hai anh em xuất thân dòng dõi Bà-la-môn có lời nói nhã nhặn với âm điệu ngọt ngào. Họ đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các Tỳ-kheo ấy đã nói với Đức Thế Tôn điều này: Bạch Ngài, hiện nay các Tỳ-kheo có tên gọi khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có giai cấp khác nhau, có gia tộc khác nhau đã xuất gia. Các vị ấy đang làm hỏng lời dạy của đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ. Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của đức Phật sang dạng có niêm luật” [5].
Một dữ liệu khác trong Luật Tạng của Bộ phái Mahisasaka có ghi lại: Hai vị Tỳ Kheo trên, khi nghe các vị khác trong tăng đoàn tụng đọc đã chế nhạo là không biết từ thuộc nam tính hay nữ tính, số ít hay số nhiều, thì hiện tại hay tương lai, v.v. nên đã đến thỉnh xin đức Phật điều chỉnh. Đức Phật chỉ dạy là ngôn ngữ cần phải sử dụng theo ngôn ngữ địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo chính xác về ý nghĩa và không được làm sai lệch. Điều tối kỵ là chuyển dịch lời Phật dạy sang ngôn ngữ của ngoại đạo.
Qua những lời dạy trên của đức Phật, chúng ta có thể thấy tính khế cơ của Giáo lý Đạo Phật là nhằm hướng đến mục đích cao nhất, tuyệt đối nhất là bất kỳ ai cũng có thể học và hiểu được. Giáo lý không cứng nhắc trong ngôn ngữ vì sự giải thoát cuối cùng là hướng đến vô ngã, nhưng nếu không có cái gọi là khái niệm thì làm cho người nghe mông lung, ngờ vực với những gì Đạo Phật chỉ bày. Vì vậy, cái tối quan trọng ban đầu là khái niệm rõ ràng, là ngôn ngữ phù hợp nhưng không vướng mắc.
Nhận định của bản thân về việc sử dụng ngôn ngữ thời đức Phật
Thông qua những tìm hiểu trên về vấn đề sử dụng ngôn ngữ thời đức Phật, người viết đưa ra những nhận định riêng mang tính chủ quan để cùng nhìn nhận về vấn đề này:
Thứ nhất, vấn đề ngôn ngữ là vấn đề sử dụng thông dụng của mọi thời đại từ khi con người có mặt. Theo quy luật phát triển tất yếu, nhận thức và đời sống của con người sẽ dần đi theo hướng tiến bộ hơn, ngôn ngữ cũng không vượt ra ngoài định luật đó. Việc sử dụng ngôn ngữ sẽ là phù hợp trong một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn văn hoá hay trong một đế chế. Vì vậy, vấn đề ngôn ngữ trong từng giai đoạn sẽ hoàn toàn khác nhau, điều quan trọng là nó được một phần lớn hoặc nhỏ trong xã hội tiếp nhận và sử dụng. Ví như: chúng ta có thể thấy những trào lưu viết tin nhắn hoặc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay, họ có thể dùng những ngôn từ mà trong từ điển không hề tồn tại hoặc thậm chí vô nghĩa. Nhưng một phần không nhỏ trong xã hội lại có thể hiểu và sử dụng chúng thông dụng với nhau, bởi vì họ chấp nhận và cho rằng đó là ngôn ngữ của chính mình, ngôn ngữ trào lưu. Cũng vậy, trong thời của đức Phật cũng có nhiều nền văn hoá bản địa khác nhau, những nền tư tưởng khác nhau, những cộng đồng xã hội khác nhau nên vấn đề sử dụng đa ngôn ngữ là vấn đề hoàn toàn hợp lý. Đó cũng được xem là ngôn ngữ của chính mình.
Thứ hai, một giả thuyết khác người viết cũng muốn đưa ra đó là sự vượt ra khỏi ý niệm ngôn ngữ mà đức Phật muốn chỉ dạy thông qua thuật ngữ Saka nurutti, đó là ngôn ngữ của Đạo mà chỉ có những ai tu tập và học tập trong giáo lý mới có thể hiểu được. Đó là ngôn ngữ mà lại vượt ra ngoài ngôn ngữ, đó chính là ngôn ngữ của chính mình. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm “Pháp sư” thứ mười có dạy:
“Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào muốn vì bốn chúng rộng nói Kinh Pháp Hoa này thời phải nói thế nào? Người thiện nam, người thiện nữ đó phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi toà Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói Kinh này. Nhà Như Lai chính là tâm từ lớn đối với trong tất cả chúng sinh; y Như Lai chính là lòng nhu hoà, nhẫn nhục; toà Như Lai chính là nhất thiết pháp không” [1, tr.303].
Chính nhất thiết pháp không này trong giáo pháp của Ngài đưa đến sự không phân biệt, đã không phân biệt sẽ không còn vướng mắc vào trong ngôn ngữ để phân biệt cao-thấp, lớn-nhỏ, địa vị cao-sang, thấp-hèn. Vì thế, giáo Pháp của đức Phật được thẩm thấu một cách uyển chuyển theo khế cơ của tín đồ. Ý nghĩa này cũng được Đức Thế Tôn chỉ bày trong Phẩm tín giải thứ tư của Kinh Pháp Hoa: Như mưa rơi xuống, các cỏ cây theo loại lớn nhỏ mà hấp thụ khác nhau [1, tr.188]. Đây chính là diệu nghĩa mà người viết cảm nhận về thuật ngữ Saka nirutti được Thế Tôn chỉ dạy.
Trở lại với vấn đề được đặt ra của hai vị Tỳ kheo Tekula và Yamelu, vì xuất thân trong gia đình có địa vị trong xã hội và sự phân biệt quá nặng nề của xã hội Ấn Độ cổ đại. Chính vì điều đó đã làm rào cản rất lớn cho họ trong quá trình tu tập và mắc kẹt vào sự chấp chặt ngôn ngữ. Vì vậy, đức Phật đề cao việc sử dụng ngôn ngữ theo ngôn ngữ vùng miền, ngôn ngữ riêng của mình. Ở đây, chúng ta có thể nhìn nhận theo hai khái cạnh:
Thứ nhất, ngôn ngữ vùng miền là ngôn ngữ thông dụng của mỗi người. Ở trong ngôn ngữ ấy, mỗi người sẽ cảm nhận được cái “linh hồn”, “vượt xa ngôn ngữ” để có thể cảm nhận hết những ý nghĩa được truyền tải trong giáo lý mà bản thân được học. Đây gọi là “tự lợi”.
Thứ hai, ngôn ngữ riêng của mình là ngôn ngữ được người bản xứ tiếp nhận một cách mau chóng và phù hợp. Sự phân chia đẳng cấp xã hội quá lớn chính là sự giới hạn cho vấn đề tiếp nhận ngôn ngữ. Người giai cấp thượng đẳng sẽ dùng ngôn ngữ thượng đẳng, kẻ hạ đẳng sẽ dùng ngôn ngữ hạ đẳng. Nếu không có sự uyển chuyển trong ngôn ngữ thì sẽ sinh ra sự phân biệt rõ ràng trong tăng đoàn của Thế Tôn. Chính vì điều đó, sử dụng ngôn ngữ bản xứ sẽ giúp cho việc truyền tải giáo lý của đức Phật và tăng đoàn được đón nhận và mở rộng. Đây chính là “lợi tha”.
Chính hai yếu tố “tự lợi” và “lợi tha” này càng xác quyết chắc chắn về việc sử dụng đa dạng ngôn ngữ trong thời của đức Phật. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 1, Phẩm một người có dạy: “Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chính đẳng giác” [2]. Đức Thế Tôn thị hiện giữa cuộc đời với một chí nguyện cao cả, mở bày cho chúng sinh nhiều phương tiện tu tập để hướng đến Giác ngộ - Giải thoát; và ngôn ngữ dùng để truyền tải Phật pháp cũng như ngôn ngữ trong hành lễ là phương ngữ phổ thông của quần chúng [7, tr.42].
Nói tóm lại, vấn đề sử dụng ngôn ngữ của thời đức Phật vẫn chưa có sự thống nhất về loại ngôn ngữ được sử dụng, tuy nhiên đó không phải là vấn đề quan trọng trong quá trình tiếp nhận và thực hành chúng. Mặc dầu, ngôn ngữ hoặc khái niệm là nền tảng ban đầu cho quá trình tiếp nhận tri thức, thực tại hoá giáo nghĩa nhưng vấn đề tranh luận để đi đến hồi kết không có điểm dừng chỉ tiêu tốn nhiều thời gian và dễ dẫn đến sự chấp chặt vào ngôn ngữ theo triết lý vô ngã của Thế Tôn chỉ dạy. Mỗi sự vật, mỗi hiện tượng đều có nhân duyên hiện hữu và hoại diệt của nó, bản thân mỗi chúng ta cứ mạnh dạn tiếp nhận và chấp nhận những hiện tượng như nó đang là…
Phân tích về vấn đề sử dụng ngôn ngữ thời đức Phật cho chúng ta thấy được rằng: sự linh hoạt và uyển chuyển trong giáo lý là một vấn đề hết sức quan trọng, để đạt đến mục tiêu cao cả và tuyệt đối nhất có thể trong mối tương quan giữa con người và con người, giữa con người và thế giới. Những nhận định được đưa ra căn cứ trên những lĩnh vực, những kinh nghiệm, những nhận thức của mỗi cá nhân trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về Đạo Phật. Ở đây không có đúng và sai, cái mà họ hiểu chính là cái “ngôn ngữ của mình” (Saka nirutti) mà Thế Tôn chỉ dạy trong Cullavagga. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, chỉ là phạm trù lý thuyết để đưa mỗi người đến để trải nghiệm, đến để thực hành và từ đó chiêm nghiệm được những ẩn ý bên trong mỗi lời dạy. Thấy được như vậy, mỗi chúng ta sẽ không còn nặng nề trong việc chấp chặt ngôn ngữ mà quên đi giá trị cốt lõi của việc truyền đạt giáo nghĩa, trở ngại cho việc lưu giữ và truyền bá chính pháp.
Học viên Cao học Khoá II, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế ***
Tài liệu tham khảo [1]. HT. Thích Trí Tịnh (dịch) (2009), Kinh Diệu pháp Liên hoa, NXB Tôn Giáo, Hà Nội. [2]. HT. Thích Minh Châu (dịch) (1996), Kinh Tăng chi bộ, Đại Tạng Kinh Việt Nam. [3]. Lê Kim Kha (dịch) (2012), Giáo trình Phật học, NXB Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh. [4]. Thích Tâm Minh (2008), Khảo cứu về văn học Pāli (Văn học Luật tạng), NXB Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh. [5]. Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Luật tạng Vinaya Pitaka - tiểu phẩm Cullavagga, NXB Tôn giáo, Hà Nội. [6]. Thích Tâm Trí (dịch) (2008), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh. [7]. Thích Nữ Huệ Đắc, Thích Đồng Lực, Thích Nữ Huệ Vân (dịch) (2021), Lịch sử truyền bá chính pháp và các Bộ phái Phật giáo thời kỳ đầu, NXB Lao động, Hà Nội. [8]. Thích Thiện Chánh (dịch) (2021), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Lao động, Hà Nội.
Mặc dù không phải là một học thuyết về đạo đức nhưng những triết lý nguyên thủy của Phật giáo đã dạy con người biết nguyên nhân của nỗi khổ và con đường giải thoát đau khổ bằng quá trình hướng thiện. Trên phương diện đạo đức học, triết lý đạo đức Phật giáo được coi là một đường lối sống, mội phương thức sống, một trìết lý sống, một cách tu dưỡng thân tâm để thực hiện lẽ sống, hướng tới Niết Bàn, tìm con đường thoát khỏi bể khổ trần gian. Tuy nhiên, sự giải thoát ấy không phải dựa vào một thế lực bên ngoài mà bản thân mình phải tự thực hiện lấy, như lời Phật dạy: Hãy tự mình là ngọn đèn soi sáng cho mình, hãy tự mình tạo cho mình chỗ nương tựa, và đừng nương tựa vào ai ngoài bản thân mình. Trước khi có sự du nhập của Phật giáo, tại Việt Nam đã có một nền văn hóa với các tín ngưỡng bản địa khá phong phú. Một trong những nguyên nhân khiến Phật giáo dễ dàng được tiếp nhận, có sức sống lâu bền tại Việt Nam vì trong nó chứa đựng những nội dung nhân sinh quan phù hợp với tâm thức, bản sắc văn hóa người Việt. Từ khi du nhập vào Việt Nam cách đây trên dưới hai nghìn năm, Phật giáo đã hòa nhập vào đời sống dân tộc không phải chỉ trong một giai đoạn, một thời đại mà trong suốt cả trường kỳ lịch sử lâu dài. Trải qua nhiều triều đại phong kiển, mối quan hệ giữa Phật giáo và nhà nước luôn được củng cố vì chúng song hành cùng tồn tại và phát triển, không bao giờ diễn ra sự tranh chấp giữa giáo quyền và thế quyền. Vì vậy, Phật giáo không chỉ ăn sâu vào đời sống tâm linh mà còn đi vào văn hóa dân tộc, trong đó có đạo đức con người Việt Nam. Ngay từ khi truyền bá vào nước ta ở đầu thời Bắc thuộc, Phật giáo đã chứng tỏ tính ưu việt của mình, giúp nhân dân bản địa tìm được hệ tư tưởng mới làm đối trọng với hệ tư tưởng Nho giáo của chế độ phong kiến Trung Quốc lúc bấy giờ. Những tư tưởng của đạo Phật đã dần ăn sâu vào tâm thức người Việt, khích lệ nhân dân chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc và thực hiện thành công hàng loại cuộc kháng chiến bảo vệ chủ quyền đất nước. Chính vì thế, đạo đức Phật giáo đã trở thành luân lý sống của các Phật tử và đông đảo các tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa, thiền sư, quan lại đến quần chúng nhân dân. Theo giáo sư Trần Văn Giàu, trong bảng giá trị truyền thống Việt Nam, tư tưởng yêu nước là giá trị đạo đức tinh thần hàng đầu, được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Biểu hiện đầu tiên, rõ rệt nhất của lòng yêu nước là tinh thần độc lập dân tộc, ý thức đòi quyền tự chủ, tự do và bình đẳng cho nước nhà. Lòng yêu nước còn thể hiện ở sự anh dũng, bất khuất trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh tính mạng cá nhân để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Như chúng ta đã biết, trong Ngũ giới, Phật giáo cấm sát sinh, thực chất là cấm giết người, cấm giết các sinh vật khác một cách cố ý, đồng thời luôn đề cao và tôn trọng sự sống Phật giáo có tư tưởng hòa bình, với cái tâm từ bi, lương thiện. Tuy nhiên, Từ bi của Phậi giáo gắn liền với Trí, Dũng, tức là phân biệt thiện - ác, đúng - sai và dám đấu tranh bảo vệ chính nghĩa. Chính vì vậy, “trừ bạo” để cứu người, cứu dân tộc không phải là việc làm sai. Phật giáo căn cứ vào động cơ, mục đích của hành động để phân biệt thiện - ác. Hơn nữa, theo quan niệm của Bồ Tát giới, thấy người bị hại mà không cứu cũng là phạm giới nên việc sẵn sàng chống giặc ngoại xâm đế cứu đồng bào, giải phóng dân tộc lại được xem là việc thiện, việc nhân nghĩa. Đúng như một tác giả đã viết: “Thiện lớn, đức lớn, hợp thời đúng lúc, tùy nghi lúc này là ở cứu dân tộc, quê hương đất nước khỏi cái thảm họa là nạn ngoại xâm. Vì cái thiện lớn, đức lớn đó mà các Phật tử sẵn sàng cầm gươm lên ngựa, sẵn sàng vi phạm giới luật (cấm sát sinh), giết một người để cứu muôn người. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, những người Phật tử không thể giáo điều máy móc ôm khư khư giới luật mà không được giết hại chúng sinh trong đó có cả kẻ thù, quân xâm lược giếi hại đồng bào. Không thể vì một điều thiện nhỏ cho cá nhân mà quên điều thiện lớn cho dân tộc, ở đây phá giới là theo tinh thần phá chấp" |l]. Nếu so sánh đạo đức Phật giáo với đạo đức người Việt với nét nổi bật là tinh thần yêu nước thì thấy có nhiều điểm tương đồng: Nhân sinh quan Phật giáo đã hòa quyện với tư tưởng yêu nước Việt Nam, từ đó, tinh thần từ bi, bác áì được thể hiện thành tinh thần nhân nghĩa. Theo giáo sư Trần Văn Giàu: "Mặc dủ Phật giáo không có chủ nghĩa yêu nước, nhưng đạo Phật Việt Nam tách khỏi chủ nghĩa yêu nước thì không còn giá trị gì hết” [2] Về triết lý sống, nhân sinh quan Phật giáo cũng khá gần với tư tưỏng, tâm hồn người Việt, đặc biệt là tinh thần nhân nghĩa, đạo lý từ bi, tinh thần hòa hiếu. Tinh thần thương người như thể thương thân này đã biến thành ca dao tục ngữ rất phổ biến trong nhân dân, như “Lá lành đùm lá rách”, hay "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Ngưởi trong một nước phải thương nhau cùng"... Ngoài đạo lý Từ bi, người Việt còn chịu ảnh hưởng sâu sắc cùa một đạo lý nữa trong giáo lý nhà Phật là đạo lý Tứ Ân, gồm ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân chúng sinh. Trong đạo lý Tứ ân, ân cha mẹ được coi là quan trọng nhất và có ảnh huởng rất sâu đậm trong tình cảm và đạo lý của người Việt Nam, điều này phù hợp với nếp sống, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Nhìn chung, trong lịch sử, Phật giáo vào nước ta một cách hoà bình. Đạo Phật cũng không gây nên sự đảo lộn, hoặc phủ định những giá trị tinh thần, những phong tục, tập quán truyền thống cùa cộng đồng người Việt. Chính vì thế, Phật giáo dễ thâm nhập và thấm sâu vào tâm thức người Việt. Mối quan hệ giữa đạo đức Phật giáo với những giá trị đạo đức Việt Nam truyền thống là mối quan hệ hai chiều: Phật giáo ảnh hưởng đến văn hoá, đạo đức truyền thống, và ngược lại, những cơ sở, điều kiện kinh tế - xã hội bản địa đã tạo nên nhiều nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Có thể nói, đạo đức Phật giáo đã thực sự ăn sâu vào đạo lý truyền thống dân tộc, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, lối sống, phong tục, tập quán của con người. Người Việt tiếp nhận đạo Phật không phảỉ chỉ là những nội dung triết lý ẩn chứa trong đó, mà quan trọng hơn là những hành vi đạo đức mang tính hướng thiện. Họ tiếp thu Phật giáo không phải với tư cách là một hệ tư tưỏng với các giáo lý cao siêu mà là những điều rất gần gũi với tâm tư, tình cảm của mình, mang tính nhân bản sâu sắc. Phật giáo vì thế từ yếu tố ngoại sinh đã lan tỏa rộng rãi, từng bước hòa nhập với nền văn hóa dân tộc, tác động mạnh mẽ đến nếp sống của mỗi con người và trở thành yếu tố nội sinh góp phần thúc đẩy sự vận động và phát triển của cộng đồng dân tộc Việt Nam truyền thống.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền